Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Samsung xin ga riêng ở Nội Bài 

Với lượng xuất nhập khẩu dự kiến chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa qua sân bay Nội Bài trong vài năm tới, Samsung vừa đề nghị được bố trí một nhà ga chuyên dụng dành cho hãng tại đây. 

 
Samsung vừa văn bản đề nghị Cục và Tổng công ty Cảng hàng không tạo điều kiện để nhà ga hàng hóa ALS được quy hoạch và sử dụng như một khu vực chuyên dụng, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng qua sân bay Nội Bài.

Theo tính toán của hãng, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua sân bay quốc tế lớn nhất phía Bắc đã vượt quá 30% công suất thiết kế. Trong khi đó, với tư cách nhà xuất nhập khẩu chính, chiếm 35% sản lượng hàng hóa tại đây (số liệu 2013) và dự kiến tăng lên 50% trong vài năm tới, doanh nghiệp mong muốn được có một nhà ga hàng hóa riêng.

Samsung cho biết, đến cuối năm 2014, ga hàng hóa vừa được xây dựng tại Cảng Nội Bài do Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS làm chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động. Nếu nhà ga này được kết nối với các kho hàng không kéo dài tại khu công nghiệp Yên Phong và khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên (cũng do ALS làm chủ đầu tư, phụ vụ các nhà máy của Samsung) thì mới có thể đáp ứng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp.

Do vậy, Samsung kiến nghị Cục hàng không, Tổng công ty Cảng cho quy hoạch ga hàng hóa ALS như một nhà ga chuyên dụng, trang bị đầy đủ máy soi chiếu an ninh cùng các trang thiết bị khác để phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng.

Tước đó trong năm 2013, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường hàng không của Samsung đạt khoảng 80.000 tấn, chiếm 35-40% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu quốc tế tại sân bay Nội Bài. Hãng này dự kiến tổng lượng hàng xuất nhập khẩu qua sân bay Nội Bài của hãng tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 130.000-150.000 tấn vào năm 2014, tăng trưởng mỗi năm khoảng 20-30% trong vòng 5 năm tới và sẽ vượt mức 50% tổng lượng hàngxuất nhập khẩu quốc tế tại sân bay Nội Bài trong một tương lai gần.

Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với vốn ban đầu 670 triệu USD. Sau 6 năm, số vốn đầu tư đã gấp 10 lần, trong đó nhà máy tại khu công nghiệp Yen Phong (Bắc Ninh) đã giải ngân 1,7 tỷ USD trong tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Sản phẩm của nhà máy đã góp 23,9 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu năm 2013. Tháng trước, hãng vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư 1 tỷ USD cho dự án sản xuất màn hình tại nhà máy này.

Tại khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) Samsung cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại với mức đầu tư 3 tỷ USD.
Theo VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét